Sai phạm tại dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông” (Bình Định): Cơ quan quản lý di tích không thể nói “không biết”

VHO- Dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông” được triển khai thi công từ năm 2017 trước khi có văn bản thẩm định dự án của Bộ VHTTDL là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Sai phạm tại dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông” (Bình Định): Cơ quan quản lý di tích không thể nói “không biết” - Anh 1

Địa hình của di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông bị biến đổi nghiêm trọng do việc san gạt thi công

Tuy nhiên, có vấn đề rất lấy làm khó hiểu là, cơ quan quản lý nhà nước về di sản là Sở VHTT, đơn vị trực tiếp quản lý di tích quốc gia địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông lại không hề có phản ứng gì. Nói cách khác, chưa có bất cứ động thái nào để kiểm tra, xử lý việc vi phạm luật của chủ đầu tư là UBND huyện Phù Mỹ.

Như đã đề cập từ số báo trước, sau kết luận Thanh tra Sở Xây dựng, báo cáo khắc phục sai phạm và Tờ trình của UBND huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định số 4038/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông”. Cụ thể, thời gian thực hiện (năm 2017-2021) đã phê duyệt tại Quyết định số 2444/QĐ-UBND ngày 19.6.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giờ được điều chỉnh thành năm 2017-2022. Quyết định còn cho biết, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nêu trên là lần cuối, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Trở lại báo cáo khắc phục sai phạm của chủ đầu tư, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho cho rằng, “vào thời điểm cuối năm 2017, Ban QLDA huyện đã sử dụng thiết kế cơ sở và dự toán của dự án tổ chức đấu thầu, triển khai thi công xây dựng, trong khi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai quy định. Những sai sót đó đã được thanh tra chuyên ngành chỉ ra trong nội dung kết luận Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Định”. Trong báo gửi UBND tỉnh, ông Lịch lý giải, trong năm 2018 với tinh thần chỉ đạo của các cấp phải đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành công trình để tổ chức lễ hội mùng 5 Tết hằng năm. Tuy nhiên, vào giữa năm 2018 UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo điều chỉnh dự án. Do vậy, một mặt phải điều chỉnh dự án, một mặt phải tổ chức thi công hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật để kịp tổ chức lễ hội kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu. Thực tế đã tổ chức lễ hội kỷ niệm vào mùng 5 Tết cổ truyền dân tộc năm 2020 trên khuôn viên đã xây dựng xong. Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết, “Sở tiếp tục giao cho Thanh tra rà soát lại kết quả khắc phục của huyện Phù Mỹ. Hiện dự án vẫn tiếp tục được triển khai xây dựng”. Ngày 20.10, Sở Xây dựng đã có cuộc họp với Sở VHTT, Tài chính, KH&ĐT và UBND huyện Phù Mỹ để xem xét, thống nhất đề xuất, kiến nghị của UBND huyện Phù Mỹ báo cáo về kết quả khắc phục và đề xuất hướng xử lý tiếp theo sau kết luận Thanh tra tại dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông”.

Liên quan đến quản lý di tích này, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định khẳng định di tích quốc gia địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông hiện nay chưa có phân cấp, vẫn thuộc quyền quản lý của đơn vị. Tại di tích bảo tàng có bố trí một bảo vệ để trông coi. Về phần điều chỉnh, phê duyệt hồ sơ quy hoạch dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông”, ông Tĩnh cho hay là đơn vị không nắm rõ và cũng không biết diện tích điều chỉnh mới về các khu vực bảo vệ di tích là bao nhiêu. Mọi thông tin về dự án di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông, cơ quan báo chí cần liên hệ UBND huyện Phù Mỹ và Ban QLDA huyện để biết.

Sai phạm tại dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông” (Bình Định): Cơ quan quản lý di tích không thể nói “không biết” - Anh 2

 Hạng mục ao nước đã được xây dựng xong trên khu vực bảo vệ di tích

Vậy dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông” được Bộ VHTTDL có văn bản thẩm định vào 19.3.2020, nhưng trước đó chủ đầu tư đã thi công xây dựng từ cuối năm 2017, vậy cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh có biết và thành lập đoàn đi kiểm tra tại di tích không? Ông Tĩnh cho biết, “đúng là có chuyện chủ đầu tư thi công trước khi có văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL, sau đó UBND tỉnh đã cho dừng thi công và mời các Sở, ngành họp để góp ý kiến trình văn bản đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định dự án. Còn việc kiểm tra chuyên ngành độc lập của cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh tại dự án này thì chúng tôi không thực hiện, bởi dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông” đã được UBND tỉnh giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư”.

Đề cập về sự khó hiểu này, TS Đinh Bá Hòa, chuyên gia về bảo tồn di tích cho rằng, việc “tuýt còi” yêu cầu dừng thi công dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông” thì Sở VHTT phải tham mưu cho UBND tỉnh. Sở Xây dựng chỉ thanh tra về việc chấp hành các quy định về xây dựng, còn thanh tra di tích có bị xâm hại từ việc xây dựng các hạng mục hay không Sở VHTT thực hiện việc này. Nghĩa là, Thanh tra Sở VHTT sẽ là trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý nhà nước về bảo vệ di sản. Ông Hòa nhìn nhận, dự án được khởi công xây dựng trước khi Bộ VHTTDL có quyết định thẩm định là vi phạm pháp luật và đã xâm hại nghiêm trọng đến di tich. Chỉ có trường hợp Sở VHTT đồng ý “bằng miệng” hay văn bản thì huyện Phù Mỹ mới dám làm, bởi huyện lấy căn cứ gì để khởi công xây dựng.

Tại dự án di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông, mặc dù UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư nhưng với tư cách cơ quan chức năng quản lý về di sản văn hóa thì Sở VHTT cũng phải có trách nhiệm giám sát việc xây dựng của huyện để bảo vệ di tích trong quá trình thi công. TS Đinh Bá Hòa thẳng thắn cho biết, dự án giao cho huyện làm chủ đầu tư xây dựng, còn quyền quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ di tích lại thuộc về Bảo tàng Bình Định, vì thế bảo tàng không thể không biết cũng như đứng ngoài cuộc trước tình trạng di tích bị thay đổi do làm dự án. Trước đây, dự án “Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông” cũng có nhiều ý trái chiều. Nhưng chủ yếu vẫn tập trung nên nâng cấp tượng đài, bia di tích, đồng thời không nên làm ao sen, hồ nước trên di tích. Đặc biệt, trong quá trình thi công không nên san lấp nhiều tránh ảnh hưởng đến di tích gốc.

TS Hòa nhấn mạnh, di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông là loại hình kháng chiến và đồi chính là di tích gốc, nếu san ủi nhiều thì dấu vết di tích sẽ không còn. Tại di tích này, có dấu tích các công trình công sự do bộ đội ta đào trong lúc chiến đấu. Trong một không gian, cảnh quan của di tích như vậy khi nâng cấp, mở rộng và tu bổ tôn tạo thì cần giữ lại một cái gì. Nếu không di tích gốc sẽ bị biến dạng không thể nhận ra. 

 Tại dự án nâng cấp, tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông, mặc dù UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư nhưng với tư cách cơ quan chức năng quản lý về di sản văn hóa thì Sở VHTT cũng phải có trách nhiệm giám sát việc xây dựng của huyện để bảo vệ di tích trong quá trình thi công.

Dự án giao cho huyện làm chủ đầu tư xây dựng, còn quyền quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ di tích lại thuộc về Bảo tàng Bình Định, vì thế bảo tàng không thể không biết cũng như đứng ngoài cuộc trước tình trạng di tích bị thay đổi do làm dự án.

(TS ĐINH BÁ HÒA)

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc